Nếu là một fan lâu năm của OnePlus, chắc hẳn bạn cũng biết hãng đã tiếp cận thị trường smartphone bằng hình thức bán hàng online trên website hay thông qua các trang thương mại điện tử khi mới bắt đầu. Nhưng với những người dùng mới, chưa có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu thương hiệu này thì đây cũng là vấn đề cần có lời giải thích.
Lợi ích của việc chọn kênh phân phối online
OnePlus khai sinh ra khái niệm flagship-killer hay chính xác thì ngay từ đầu cụm từ ‘flagship-killer’ được dùng để chỉ các sản phẩm của hãng. Từ thế hệ OnePlus đầu tiên, hãng đã định hình các sản phẩm này luôn sở hữu cấu hình hàng đầu nhưng giá bán lại cực kỳ phải chăng nếu không muốn nói là bán phá giá. Từ hoàn thiện thiết kế, cấu hình, khả năng hỗ trợ phần mềm đến nhiếp ảnh, OnePlus One luôn cho thấy sự vượt bậc so với tầm giá của nó.
Tiếp theo đó, lần lượt OnePlus 2, 3,... đều cùng một định hướng như vậy. Tuy nhiên vấn đề đặt ra với mức giá tầm trung nhưng để cân bằng với những trang bị cao cấp như vậy, thì OnePlus sẽ đứng trước bài toán chi phí. Và để giải quyết vấn đề đó, hãng có nhiều cách giải quyết. OnePlus dùng chung dây chuyền sản xuất, thiết kế, tài nguyên công nghệ của công ty "anh em" OPPO để cắt giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, hãng cắt giảm chi phí cho bán hàng bằng cách bán sản phẩm online, hạn chế dùng kênh phân phối offline, chiết khấu kinh doanh cho các đại lý.
Với thị trường đầu tiên OnePlus hướng đến là Trung Quốc, nơi vốn quen thuộc với việc các sản phẩm điện tử được bày bán online, OnePlus đã gặt hái được những thành công đầu tiên. Đã có 1 triệu chiếc Oneplus One bán ra trong 22 ngày. Và cứ vậy sau nhiều thế hệ, OnePlus từ từ xây dựng được độ nhận diện thương hiệu với chiến lược giá tốt song hành doanh số bán ổn định.
Sau đó, khi đã có đủ tiềm lực, hãng dần mở rộng thị trường sang Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Trong Q1/2020, OnePlus là hãng duy nhất tại Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng (2%).
Tuy nhiên, bán hàng online chỉ là bước đi mang tính chiến lược…
Đúng vậy, việc bán hàng online cũng chỉ là bước đi chiến lược có thời hạn, khi mà thương hiệu dần lớn theo thời gian, OnePlus cần có những bước đi mới phù hợp hơn với vị thế mới.
Như trong bài viết trước mình có đề cập đến việc các flagship-killer tăng giá mà OnePlus 8 Pro là một trong những chiếc điện thoại được nói đến. Việc mức giá điện thoại được nâng cao, không đơn thuần chỉ là giá thành chiếc máy bị đội lên do nhiều trang bị hơn, mà kèm với đó chính là chiến lược phân phối mới.
Muốn mở rộng thêm thị trường sẽ phải mở rộng kênh phân phối tại đó, chi phí marketing, chiết khấu,... Ngược lại việc này cũng giúp thương hiệu tiếp cận nhiều hơn với khách hàng mới, tăng doanh số, doanh thu,... Và dĩ nhiên dưới góc độ kinh doanh việc bán hàng online chính sách giá sốc chỉ mang giá trị chiến lược (có thời hạn) và việc tăng giá bán sẽ là điều tất yếu nếu muốn đi xa hơn.
Gần đây còn có nhiều thông tin OnePlus sẽ mở rộng thị trường hơn với nhiều dòng sản phẩm mới bên cạnh OnePlus Nord vừa được ra mắt, chúng sẽ tập trung vào phân khúc giá thấp hơn dãy sản phẩm hiện tại của hãng.
Bây giờ thì bạn đã biết lý do vì sao OnePlus trước đây chỉ tập trung bán điện thoại online rồi đó. Riêng bạn nhận xét thế nào về chiếc lược trên của OnePlus, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết này.
Biên tập bởi Minh Dương