Tin mới Thị trường

Công nghệ & tính năng trên smartphone đã "tiến hóa" ra sao?

Hữu Tình
08/01/18

Galaxy K Zoom

Phần cứng, công nghệ lẫn tính năng trên điện thoại giống như một hệ sinh thái sống, nó phải phát triển để thích ứng với thế giới công nghệ nói chung và xu hướng của người dùng nói riêng. Những công nghệ không thể thích ứng với sự thay đổi sẽ bị khai tử hoặc được thay thế bởi những công nghệ hữu dụng hơn.

Trong bài viết này, hãy cùng điểm qua những công nghệ nổi bật đã được cải tiến hoặc được các nhà sản xuất mạnh dạn loại bỏ trên các dòng smartphone hiện nay.

1. Công nghệ truyền tải thông tin

Trước đây bộ thu phát sóng FM được chúng ta sử dụng khi đang đi trên xe để phát nhạc hoặc nghe những thông tin được phát thanh qua sóng radio. Những mẫu điện thoại cuối cùng đi kèm với một máy thu phát FM ra mắt từ năm 2012, nổi bật nhất là mẫu Nokia 808 PureView. Hiện nay tìm được những chiếc điện thoại còn hỗ trợ thu sóng FM là điều gần như không thể.

Nokia 808 Pureview

Sau này công nghệ FM đã được thay bằng công nghệ Bluetooth với thiết bị điển hình là loa Bluetooth. Tuy nhiên đến năm 2017 vừa qua và giờ là 2018, chúng vẫn được bày bán nhưng đã dần được thay thế bởi những thiết bị hiện đại hơn - Google Cast hoặc Apple AirPlay.

2. Các cổng kết nối hình ảnh và âm thanh

Trước đây smartphone có mẫu được tích hợp cổng HDMI để xuất hình ảnh lên các thiết bị khác. Nhưng sau này chúng được loại bỏ vì các nhà sản xuất hiện chỉ quan tâm tới việc làm sao để giảm số lượng cổng kết nối.

Mẫu điện thoại cuối cùng với một cổng HDMI chuyên dụng đó là sản phẩm của BlackBerry - Porsche Design P'9983. Hiện tại USB-C có thể kết nối tới TV và đây chính là sự thay thế cho cổng HDMI nhưng bạn cần có adapter chuyển đổi.

Điều này cũng tương tự với cổng cắm tai nghe 3.5 mm. Hiện tại việc có nên tiếp tục giữ cổng kết nối này trên smartphone hay không vẫn còn là sự tranh cãi. Nhưng một số hãng như Apple, HTC, Xiaomi đã bắt đầu tiên phong loại bỏ cổng kết nối này để quy về một chuẩn Type-C hoặc Lightning.

3. Khả năng "biến hình"

Chuyển sang một công nghệ khác, Asus có dòng sản phẩm PadFone S, nó có thể gắn vào mặt lưng của một chiếc tablet để biến thành máy tính bảng, sau đó có thể gắn thêm bàn phím để trở thành laptop. Và cũng tiếc thay khi PadFone X là smartphone cuối cùng trong dòng sản phẩm PadFones của Asus có tính năng thú vị (nhưng có lẽ không mấy hữu ích) này.

Một thời gian sau công nghệ này đã được nâng cấp. Điển hình như mẫu Lumia 950 có thể trở thành một chiếc máy tính để bàn thông qua tính năng Continuum của Microsoft (gần như đã bị khai tử).

Hiện tại công nghệ giúp smartphone "biến hình này" vẫn còn hy vọng. Mới đây nhất là bộ DeX của Samsung khi nó vẫn tiếp tục được hãng phát triển thêm để biến S8, kế đến là S9 trở thành một máy tính thực thụ.

4. Camera 3D, camera xoay và đèn flash Xenon

Đã có nhiều tính năng được thử nghiệm và một số công nghệ đã bị bỏ rơi sau khi được tích hợp lên một vài mẫu smartphone. Điển hình là đèn flash Xenon được dùng cho những smartphone cao cấp từ những năm trước, nhưng sau này nó đã bị khai tử vì quá dày và được thay thế bằng đèn flash LED. Chiếc Samsung Galaxy K Zoom là điện thoại gần đây nhất sử dụng đèn flash Xenon này.

Nếu nói về máy ảnh trên smartphone, máy ảnh 3D dường như đã tuyệt chủng. LG Optimus 3D Max P720 có thể là smartphone cuối cùng sử dụng máy ảnh 3D và giờ đây người dùng đã gần như lãng quên công nghệ này vì chúng ta đã có camera kép. Ngày nay, camera kép đã tốt hơn nhiều so với máy ảnh 3D cách đây 4 hay 5 năm, chúng có thể vừa zoom quang học, vừa có thể chụp ảnh góc rộng, xóa phông đầy tiện lợi.

Bây giờ chúng ta hãy nói về smartphone sở hữu camera có khả năng zoom quang học. Asus ZenFone Zoom ZX551ML chính là chiếc smartphone cuối cùng sở hữu ống kính có thể thu phóng vật lý được.

Chiếc smartphone này được tích hợp một ống kính dày 12 mm (Galaxy K Zoom dài 16.6 mm) với khả năng zoom quang 3x. Công nghệ này được hứa hẹn sẽ nở rộ trong năm 2017 nhưng cuối cùng nó đã không xảy ra.

Chưa hết, công nghệ camera xoay cũng bị khai tử. Trước đây Nokia đã từng cho ra một điện thoại với camera có thể xoay, nhưng đó là thời xa xưa, sử dụng Symbain. Còn gần đây nhất, chúng ta có thể nghĩ tới OPPO N3, camera của máy có thể xoay từ trước ra sau và ngược lại, bây giờ công nghệ này cũng đã bị khai tử.

Cơ chế xoay camera giúp người dùng có thể chụp tự sướng bằng camera chính, qua đó giúp ảnh chụp selfie hay chụp thông thường là như nhau.

Sau này công nghệ camera xoay không được phát triển nữa nhưng vẫn có hãng tìm cách để selfie bằng camera chính, đó là Meizu. Họ đặt một màn hình nhỏ phía sau chiếc Meizu Pro 7 để ta có thể thấy hình ảnh của mình khi selfie bằng camera chính.

Như vậy, có nhiều tính năng lẫn công nghệ trên smartphone đã ra đời và bị khai tử. Khi nhìn lại thì điều này giống như bánh xe quay vòng vậy, sẽ có những tính năng rời xa điểm mút (là thời điểm hiện tại) nhưng sẽ có các tính năng khác đang quay lại mạnh mẽ hơn.

Xem thêm: Lịch sử camera trên smartphone: HTC, Apple từng đi đầu, Nokia tượng đài, xu thế tương lai là camera kép

Biên tập bởi Nguyễn Nhật