Mất đi dịch vụ Google đã là một đòn giáng mạnh vào Huawei, nhưng đòn chí tử tiếp theo của Mỹ dành cho nhà sản xuất điện thoại tới từ Trung Quốc này khiến họ phải dừng sản xuất chip Kirin của mình thì đây quả là một sự trừng phạt quá lớn. Vậy đâu sẽ là giải pháp của Huawei để vượt qua cơn sóng gió này?
Huawei vẫn tự mình sản xuất được Kirin cơ mà, tại sao vì Mỹ mà phải dừng lại?
Mặc dù Kirin được coi là sản phẩm cây nhà lá vườn của Huawei, nhưng để sản xuất ra con chip này, Huawei không thể một mình làm chủ dây chuyền mà chỉ có thể thiết kế ra và phải nhờ tới một bên thứ ba là TSMC đứng ra đảm nhiệm. Nhờ vào dây chuyền hiện đại, TSMC có thể gia công và hoàn thiện những con chip Kirin theo đúng yêu cầu và số lượng cực lớn để đáp ứng cho Huawei.
Huawei là bạn hàng lớn thứ hai chỉ sau Apple giúp đem lại nguồn thu chủ lực cho TSMC. Tuy nhiên, điều đáng nói là TSMC sản xuất chip dựa trên công nghệ và các linh kiện nhập khẩu từ Mỹ. Chính vì thế, lệnh trừng phạt của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Huawei sẽ kéo dài đến tháng 5/2021 cũng sẽ có hiệu lực đối với TSMC.
Trong lệnh trừng phạt mới này nêu rõ, bên cạnh việc cấm các công ty Mỹ thực hiện giao dịch mua bán sản phẩm với Huawei, chính phủ Mỹ cũng cấm các hãng sản xuất chip và chất bán dẫn bên ngoài Trung Quốc đại lục, nhưng đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ, hợp tác hoặc bán sản phẩm cho Huawei, ngoại trừ trường hợp được chính phủ Mỹ cấp phép.
Điều này đồng nghĩa với việc TSMC không chỉ mất đi một khoản thu nhập lớn mà ngay cả Huawei cũng có thể mất đi "con đẻ" Kirin của mình. Vào ngày 7/8, Giám đốc điều hành (CEO) Yu Chengdong của tập đoàn công nghệ Huawei cho biết, hoạt động sản xuất loại chip hiện đại nhất cho điện thoại thông minh là Kirin 9000 sẽ ngừng từ ngày 15/9/2020 do các lệnh trừng phạt của Mỹ và điều này sẽ gây ra "một thiệt hại to lớn" cho Huawei.
Mặc dù đã đề phòng tới tình huống xấu nhất này khi Huawei đã dự trữ một số lượng lươn chip Kirin 9000, nhưng rồi cũng sẽ hết. Họ cũng đã khẳng định, dòng Mate 40 sẽ là dòng điện thoại cuối cùng chạy trên con chip Kirin. Đó là một sự mất mát quá lớn cho Huawei và cả cho người dùng nữa.
Những người từng sử dụng qua những chiếc flagship Huawei đều biết và yêu quý con chip Kirin bởi hiệu năng mạnh mẽ mà nó mang lại, đồng thời Kirin cũng là một trong những con chip đi đầu về thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo) để cho ra những bức ảnh đẹp và sống động hơn.
Cú bắt tay với MediaTek sẽ cứu vớt Huawei qua cơn họa nạn này?
Huawei là một trong số rất ít những nhà sản xuất điện thoại trên thị trường có khả năng tự thiết kế và sản xuất để tối ưu cho mình một con chip như Apple và Samsung đã từng làm. Vì thế, họ có thể tiết giảm được chi phí và nhờ đó giá thành, giúp sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn.
Nhưng có lẽ những điều đẹp đẽ đã chấm dứt và Huawei buộc lòng phải tìm lối đi riêng cho mình và Dimensity tới từ MediaTek sẽ tốt hơn cả trong thời điểm này.
Theo bảng thống kê 10 bộ vi xử lý mạnh nhất nửa đầu năm 2020 của AnTuTu cho thấy đứng đầu vẫn là là Qualcomm với Snapdragon 865, ở vị trí thứ hai không xa là MediaTek Dimensity 1000+, đạt danh hiệu về ba lại là một ứng cử viên đội Qualcomm có tên Snapdragon 855+ và ở vị trí thứ 4 chúng ta đã thấy được Kirin 990 5G của Huawei.
Trong tình cảnh không thể tiếp tục sử dụng Kirin, lựa chọn tiếp theo mà Huawei có thể hướng tới là MediaTek với dòng chip Helio cho điện thoại giá rẻ và Dimensity cho những chiếc điện thoại cao cấp. Tại sao Huawei lại nên chọn MediaTek để vượt qua cơn khủng hoảng này?
Thứ nhất bởi vì MediaTek có thể cho ra được sản lượng chip lớn, giá thành phải chăng và hiệu năng ở mức sử dụng cơ bản. Lấy ví dụ như chiếc điện thoại Huawei Y6p mới được ra mắt cách đây không lâu cũng đang sử dụng chip MediaTek. Thứ hai đó là MediaTek đang sở hữu cho mình con chip Dimensity có hiệu năng chỉ thua Snapdragon đầu bảng một chút và Huawei hoàn toàn có cơ hội sử dụng con chip Dimensity này để sản xuất ra những chiếc flagship khác.
Vậy còn sự kết hợp với Qualcomm hay Samsung có thể mang lại trái ngọt cho Huawei?
Điều đầu tiên, Qualcomm là một công ty của Mỹ và các chính sách của Tổng thống Trump đưa ra không phải là thứ có thể đùa giỡn được. Vì thế chắc chắn Qualcomm sẽ biết mình phải làm gì và cơ hội dành cho Huawei dường như sẽ là con số 0 nếu họ có ý ngỏ lời hợp tác với Qualcomm.
Vậy còn người láng giềng chẳng mấy xa cách là Samsung thì sao? Trong quá khứ, Samsung đã từng bán chip Exynos của mình cho các đối tác khác bên ngoài như Vivo và Meizu. Do đó, cũng sẽ có khả năng Huawei sẽ mua và sử dụng chip Exynos.
Hoặc một trường hợp khả quan nhất là Samsung sẽ gia công chip cho Huawei vì dây chuyền sản xuất chip của Samsung của châu Âu, nhưng theo các báo cáo gần đây thì điều này cũng khó xảy ra do dây chuyền sản xuất chip của Samsung không thể đáp ứng dụng nhu cầu quá lớn của Huawei, trong khi vẫn phải đảm bảo nguồn cung chip Exynos.
Kết luận
Trong tất cả các phương án thì việc hợp tác với MediaTek vẫn là việc làm khả thi nhất và có thể cứu giúp được Huawei vượt qya qua tình cảnh hiện tại. Nhưng chúng ta cũng biết đâu đấy, Huawei đang có một lá bài tẩy trong tay mình. Họ có thể lựa chọn theo một con đường khác là hoàn toàn tự xây dựng và làm chủ một dây chuyển sản xuất chip cho riêng mình, hoặc có thể sử dụng các công ty sản xuất chip khác (không sử dụng các công nghệ, linh kiện liên quan đến Mỹ) gia công cho mình.
Còn theo quan điểm của bạn thì sao, Huawei nên chọn con đường nào là tốt nhất? Đừng quên để lại bình luận bên dưới nhé.
Biên tập bởi Lê Hải Nam