Facebook lại tiếp tục gặp rắc rối sau vụ rò rỉ dữ liệu “Cambridge Analytica” hồi tháng 3. Mới đây, một loạt những báo cáo chỉ trích mạng xã hội này được đăng tải trên tờ New York Times (NYT). Gần như ngay sau đó, nhóm Thượng nghị sỹ Mỹ cũng bày tỏ sự bất bình dành cho công ty của Mark Zuckerberg.
Bằng một cuộc điều tra kéo dài hàng tháng với nhiều lần phỏng vấn hơn 50 đối tượng bao gồm Giám đốc điều hành, nhân viên, cựu nhân viên Facebook, nhà lập pháp, quan chức chính phủ... NYT đã phanh phui toàn bộ những bê bối của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Theo đó, Facebook đã để Nga can thiệp vào kết quả bầu cử, cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump tự do đăng tải bài viết vi phạm chính sách phân biệt chủng tộc, chống khủng hoảng bằng cách định hướng dư luận, thuê truyền thông chuyển sự giận dữ của công chúng sang các đối thủ khác (Google, Apple) hay thực hiện chiến dịch vận động hành lang chống lại những người phê bình họ...
Ngay lập tức, Facebook bác bỏ mọi luận điểm được NYT đưa ra và cho biết, công ty đã xóa 1.5 tỷ tài khoản giả mạo trong 6 tháng vừa qua.
CEO Mark Zuckerberg cũng đăng tải bản kế hoạch chi tiết để cải thiện tình trạng kiểm duyệt của Facebook trong tương lai, với một trong những trọng tâm là giảm nội dung giật gân trên News Feed. Hiện tại, người dùng đang phải tương tác với nhiều bài đăng không có giá trị nhưng được thiết lập để thu hút lượt nhấn vào. Từ đó, họ có thể xem nhiều nội dung sai lệch hoặc mang tính kích động.
Zuckerberg nói rằng công ty sẽ đào tạo các hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) để xác định các loại nội dung vừa nêu trên và hạn chế chúng xuất hiện trên bảng tin.
Tuy nhiên, những ngày sắp tới đây của Facebook lẫn Mark Zuckerberg sẽ không hề dễ dàng, khi hàng loạt Thượng nghị sĩ Mỹ đang rất tức giận và kêu gọi một cuộc điều tra.
Tại thung lũng Silicon, phóng viên Kurt Wagner đặt ra câu hỏi “Ai sẽ bị sa thải ở Facebook?”. Sinh viên Đại học Berkeley nói rằng họ sẽ cân nhắc không làm việc cho mạng xã hội. Một số người đã xóa hoặc hủy kích hoạt tài khoản Facebook.
Không chỉ NYT, đài truyền hình BBC cũng có một cuộc điều tra về vai trò của Facebook tại Nigeria. Cảnh sát Nigeria tiết lộ, thông tin sai lệch và hình ảnh kích động trên Facebook là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ giết người nói riêng và trình trạng bạo lực gia tăng nói chung ở Plateau – một bang thuộc quốc gia châu Phi này trong thời gian gần đây.
Đồng thời, các nhóm hoạt động về nhân quyền như Electronic Frontier Foundation (EFF), Human Rights Watch và hơn 70 tổ chức tương tự khác muốn Facebook cung cấp một “quy trình hợp pháp” để gỡ bỏ nội dung.
"Trong khi Facebook đang loại bỏ nội dung xấu một cách không minh bạch, thiếu quy trình để xác định lỗi và sửa lỗi thì các chính sách gỡ bỏ nội dung của họ lại thường xuyên gây trở ngại cho những người mà tiếng nói của họ lẽ ra nên được lắng nghe”, EFF tuyên bố trong một thông cáo báo chí.
Ngay tại Việt Nam, hàng loạt tài khoản Facebook của người nổi tiếng như ca sĩ Sơn Tùng MTP, Hòa Minzy, Karik, admin diễn đàn công nghệ Tinh Tế - Trần Mạnh Hiệp (nickname Cu Hiệp) vừa bị khóa mà chưa rõ lý do và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ được Facebook hỗ trợ khắc phục.
Quá nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra khiến Tổng Cố vấn Facebook - Colin Stretch không thể nghỉ việc theo kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, Colin hiện đang lên kế hoạch ở lại làm việc cho đến năm 2019.
Liên tục bị tố “truyền thông bẩn” và “kinh doanh thất đức, chỉ làm mọi thứ để kiếm tiền”. Chúng ta hãy cùng chờ xem, Facebook sẽ đối mặt với cuộc “khủng hoảng niềm tin” này như thế nào.
Nguồn: The Verge
Xem thêm:
- Mark Zuckerberg cấm lãnh đạo Facebook dùng iPhone?
- Tin nhắn của 81.000 tài khoản Facebook bị hack hiện đang được rao bán