Sau nhiều năm tin dùng màn hình của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều khả năng trong thời gian tới mẫu iPhone thế hệ tiếp theo sẽ được trang bị màn hình do một công ty Trung Quốc cung cấp.
Mới đây, hãng tin tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg cho biết, Apple đang thảo luận với công ty BOE Technology Group của Trung Quốc về việc cung cấp màn hình OLED cho iPhone thế hệ tiếp theo. Đây là thành phần quan trọng mà trước nay đều do Samsung Display - bộ phận sản xuất, kinh doanh màn hình của Samsung Electronics cung ứng.
BOE được thành lập vào tháng 4/1993, là công ty chuyên về thiết bị hiển thị, hệ thống thông minh và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. BOE không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, mà còn "ăn nên làm ra" trên thị trường quốc tế, bao gồm: châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Gần đây nhất, BOE đã chi ra gần 100 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 14,5 tỷ USD) để xây dựng hai nhà máy màn hình AMOLED tại phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên nhằm đón đầu các hợp đồng kinh doanh trong tương lai.
Nguồn tin trên còn cho biết thêm, Apple đã tiến hành thử nghiệm các màn hình diode phát quang hữu cơ ma trận chủ động (OLED) của BOE trong suốt những tháng qua, nhưng Táo Khuyết vẫn chưa quyết định bổ sung công ty Trung Quốc này vào danh sách các nhà cung cấp của mình.
Tuy cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu, và chưa chắc BOE sẽ cung cấp màn hình cho thế hệ iPhone tiếp theo, nhưng công ty đang mong đợi sẽ bắt đầu trở thành đối tác cung cấp màn hình cho iPhone vào năm 2018 hoặc sau đó.
Apple đang gấp rút tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung màn hình OLED. Nếu được chọn, BOE sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình OLED đầu tiên cho iPhone, bên cạnh những đối tác lâu năm của Apple ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Công nghệ màn hình này sẽ giúp iPhone thế hệ tiếp theo tiết kiệm được điện năng và có thể hiển thị nội dung sắc nét hơn màn hình LCD. Từ đó mới có thể "ăn thua đủ" với các đối thủ.
Hiện tại, Apple và BOE đều từ chối bình luận về thông tin mà Bloomberg có được.
"Không có lửa làm sao có khói?"
Nguồn tin từ Bloomberg hoàn toàn có cơ sở, bởi việc sản xuất màn hình OLED không phải chuyện đơn giản và hiện tại trên thế giới chỉ có 4 thương hiệu nổi tiếng trong mảng này, bao gồm: Samsung Display, LG Display, Sharp và Japan Display.
Trong đó, Samsung Display là nguồn cung ứng lớn vào năm nay, nhưng cũng không kham nổi kế hoạch của Apple, do lãi suất thấp cộng thêm doanh số iPhone đang ngày một tăng, không thể đáp ứng kịp.
Còn Sharp và Japan Display vẫn đang trong quá trình đầu tư và mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình OLED, sớm nhất là vào năm 2018 mới hoàn thành.
Cái tên cuối cùng là LG Display hiện vẫn đang cố gắng bắt kịp xu hướng này. "Công ty đã chậm chân trong việc đầu tư màn hình OLED cho thiết bị điện tử nhỏ hơn so với TV," Giám đốc điều hành Han Sang-beom của LG Display cho biết.
Xâu chuỗi các vấn đề trên lại sẽ có kết quả như thế này: Nếu Apple chịu hợp tác với BOE, nguồn cung màn hình OLED cho iPhone 8 và thế hệ tiếp theo sẽ khá thoải mái. Còn không, Apple sẽ chỉ trang bị màn hình OLED cho một phiên bản iPhone, thay vì 2 phiên bản thường thấy.
"Đây là cơ hội cho BOE khi Apple được biết đến với việc luôn tìm kiếm nhiều nhà cung cấp khác nhau cho một bộ phận." James Yan, Giám đốc nghiên cứu của hãng Counterpoint Research tại Bắc Kinh cho biết. "Nhưng điều này chưa hẳn đã là một thách thức với Samsung khi họ có thể tung ra các màn hình chất lượng cao hơn khi công suất ổn định."
Trước đó, giới thạo tin cho biết, Apple và Samsung đã từng có một thỏa thuận cung ứng màn hình OLED cho iPhone vào năm 2017, với yêu cầu lên tới 100 triệu tấm màn mỗi năm.
Thế nhưng, thỏa thuận này rất có thể bị hủy, bởi màn hình OLED còn không đủ tích hợp cho smartphone của Samsung huống hồ chi là cung ứng cho đối tác.
Sao Apple lại quyết chọn màn hình OLED trong khi đang thiếu nguồn cung?
Màn hình là một trong những thành phần đắt tiền nhất trên smartphone. Trong khi đó, màn hình OLED lại không dễ sản xuất, đồng nghĩa với việc khiến Apple phải phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng để sản xuất loại màn hình này với số lượng lớn.
Màn hình OLED không cần chiếu sáng nền như LCD. LCD hoạt động bằng cách chặn các ánh sáng đèn nền để tạo hình ảnh, trong khi màn hình OLED lại có thể tự phát sáng. Nhờ vậy đã giúp OLED tiết kiệm điện năng tốt hơn, mà điểm này rất có lợi khi trang bị cho các thiết bị di động hiện nay, như smartphone, máy tính bảng,...
Bên cạnh đó, do OLED sử dụng các bộ lọc màu sắc riêng nên tạo ra màu đen sâu hơn và gam màu rộng hơn. Việc không sử dụng đèn nền giúp tạo ra độ tương phản cao hơn.
Chưa hết, màn hình OLED còn cung cấp góc nhìn rộng (gần 90 độ trên nhiều tấm nền) mà không làm mất chất lượng hình ảnh và độ sắc nét. Minh chứng hiện hữu nhất chính là màn hình trên bộ đôi Galaxy S7 và S7 Edge của Samsung đã nhận được rất nhiều lời đánh giá "có cánh" từ phía người dùng.
Dưới đây là đoạn video với tựa đề "A Day with AMOLED" do Samsung Display đăng tải, so sánh nhanh giữa công nghệ màn hình AMOLED và LCD. Nhìn chung, khả năng hiển thị nội dung trên màn hình AMOLED tốt hơn nhiều so với LCD. Mời các bạn xem qua và đưa ra nhận xét bên dưới phần bình luận.
Riêng bạn có cho rằng Apple sẽ hợp tác với BOE để tung ra thị trường đủ cả hai model iPhone màn hình OLED, hay có nhiêu xài nhiêu với chỉ một model iPhone màn hình OLED bán ra thị trường?
Xem thêm: iPhone 8 màn hình 5.8 inch OLED sẽ có thiết kế khung thép không gỉ, 2 mặt kính
Biên tập bởi Tech Funny