Tin mới Thị trường

Goldman Sachs: Công nghệ AI của Trung Quốc đang bắt kịp với Mỹ

Trấn Minh
02/09/17

Khi nói đến các công nghệ mới và hàng đầu thì ai trong chúng ta cũng thường nghĩ đến Mỹ hay các nước phương Tây. Tuy nhiên với sự trỗi dậy của mình, ngày nay Trung Quốc là một quốc gia châu Á được xếp khá gần với Mỹ, đặc biệt là trong công nghệ AI.

Theo CNBC, trong một báo cáo được Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs đăng tải gần đây với tên gọi "China's Rise in Artificial Intelligence" (tạm dịch: Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong Trí tuệ nhân tạo", họ có nhận định rằng:

"Chúng tôi tin rằng công nghệ AI sẽ trở thành chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ (Trung Quốc). Và chúng tôi hy vọng các nước sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho việc phát triển AI."

Bộ 3 và nút "start" cho ngành công nghiệp AI ở Trung Quốc

Nếu ở Mỹ, có Google và Microsoft bỏ hàng khối tiền cho chuyện phát triển AI thì ở Trung Quốc, những ông lớn như Baidu, Alibaba hay Tencent (bộ 3 B.A.T) cũng đã bắt đầu triển khai những dự án liên quan.

Được biết vào tháng 7 vừa qua, chính phủ nước này đã ban hành các hướng dẫn về phát triển AI trong nước và mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu vào năm 2030.

Và theo dự kiến, nếu kế hoạch này thành công thì sẽ mang lại tổng giá trị của ngành công nghiệp AI lên đến hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 147.8 tỷ USD).

Sở dĩ Trung Quốc bắt đầu theo đuổi AI rất sớm là vì họ hội đủ những điều kiện tiên quyết cho ngành công nghiệp này như: Nhân tài, dữ liệu, cơ sở hạ tầng và khả năng tính toán.

Goldman Sachs cho biết: "Trung Quốc hiện tạo ra đến 13 % dữ liệu toàn cầu (nhờ dân số đông) và đến năm 2020, chúng tôi hy vọng con số này sẽ tăng lên 20 - 25 % khi nền kinh tế của nước này đứng đầu trên toàn thế giới.

Theo dự đoán, họ sẽ sớm tạo nên khoảng 9 đến 10 zettabytes (ZB) dữ liệu (với 1 ZB = 1 nghìn tỷ GB)". Chính điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nghiên cứu AI có khá nhiều cơ sở dữ liệu để tham vấn từ người dùng.

Song song đó, ngày nay các công ty "Tung Của" cũng đang cố gắng thu hút nhân lực bằng cách đặt trụ sở của họ tại nhiều quốc gia khác nhau.

Ngoài ra, họ còn tự tay phát triển các nền tảng mã nguồn mở để thu hút mọi người. Ví dụ Baidu có PaddlePaddle và project Apolo, chuyên nghiên cứu về xe hơi tự lái.

Trung Quốc không chỉ có B.A.T!

Ngoài 3 ông lớn kể trên, thì ở Trung Quốc hiện cũng có khá nhiều công ty quốc gia, doanh nghiệp địa phương hay thậm chí là start-up ứng dụng AI vào dịch vụ của họ.

Một trong số đó có thể kể đến là Meituan-Dianping, công ty cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Goldman Sachs cho biết họ có thể phân tích một khối dữ liệu lớn để tìm ra tuyến đường giao hàng hiệu quả nhất chỉ chưa đầy 0.1 giây.

Hoặc Didi Chuxing, ứng dụng dạng "ride-hailing" (giống như Grab hay Uber): Đơn vị này có thể xử lý hơn 4.500 TB dữ liệu, tương đương với 20 tỷ các yêu cầu hay 20 triệu cái "book" của khách hàng trong một ngày.

Ngoài ra còn có những cái tên như iFLYTek hay Hikvision, Mobvoi, SenseTime,... họ đều là những nơi đang ứng dụng AI hay các máy học vào thực tiễn cuộc sống.

---

Bên trên là một số dẫn chứng, con số liên quan đến việc phát triển AI ở "người hàng xóm" của chúng ta. Không biết bạn có nhận xét gì?

Liệu Trung Quốc có bắt kịp đà phát triển với Mỹ như nhận định của Goldman Sachs? Hãy comment bên dưới để chia sẻ ý kiến, bạn nhé!

*Trong bài có sử dụng hình ảnh từ South China Morning Post và iTech Post.

Xem thêm: AI là gì? Vì sao trí tuệ nhân tạo sẽ giúp smartphone "thông minh" hơn?

Biên tập bởi Tech Funny