Theo nhận định của cây viết Joe Maring trang Android Central, tuy là một ý tưởng rất thú vị nhưng điện thoại không nút bấm hoàn toàn không có nhiều giá trị thực tiễn. Nói cách khác, nó là giải pháp cho một vấn đề không hề tồn tại.
* Dưới đây là những chia sẻ của Joe Maring được mình dịch lại.
Tuần trước, một báo cáo cho biết Galaxy Note 10 sẽ không có bất kỳ nút bấm vật lý nào, thay vào đó là các cảm biến nhạy áp trên khung viền để thực hiện chức năng điều chỉnh âm lượng và bật/tắt điện thoại.
Lập luận dành cho điện thoại không nút bấm là nó làm điện thoại bền hơn vì sẽ không có các bộ phận chuyển động, giúp các nhà sản xuất làm khung chắc chắn hơn cũng như chống nước tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều đó không đúng, với minh chứng là chiếc HTC U12+ được phát hành hồi năm ngoái.
Trên HTC U12+, các "nút" nguồn và tăng giảm âm lượng chỉ là các cảm biến nhạy áp được kích hoạt mỗi khi người dùng tác động đủ lực. Tuy được quảng cáo hoành tráng, trải nghiệm của giới phóng viên với máy là không hề tốt một chút nào.
Thậm chí, tôi không thể khuyên bạn mua U12+ vì các nút nhạy áp hoạt động rất tệ. Để rồi, HTC phải tung ra một bản cập nhật phần mềm nhằm giải quyết các khiếu nại, nhưng lúc đó mọi thứ đã quá muộn.
Ngoài việc là công cụ sử dụng trong các tài liệu tiếp thị và quảng cáo, việc HTC U12+ thiếu các nút bấm vật lý không đóng góp bất cứ điều gì có ý nghĩa cho điện thoại. Nó cũng chắc chắn và được trang bị khả năng chống bụi / nước theo chuẩn IP68 như nhiều thiết bị khác trên thị trường, tức là chẳng có gì khác biệt.
Mặt khác, các nút bấm khi được triển khai chính xác sẽ bổ sung rất nhiều vào trải nghiệm hàng ngày. Nút bấm tốt cho cảm giác nhấn thoải mái, thỏa mãn chúng ta về mặt xúc giác. Nó cũng thêm một tương tác hữu hình vào một thiết bị mà bạn thường tương tác bằng cách chạm và vuốt trên một tấm kính trơn với bàn phím ảo.
Hơn nữa, khi điện thoại được tích hợp thêm các công cụ như Google Assistant hay Bixby, bạn có thể thực hiện nhiều hành động khác nhau với nút bấm mà không cần phải nhìn vào điện thoại, chẳng hạn như kích hoạt nhanh trợ lý ảo. Một số thiết bị còn cho phép kích hoạt nhanh camera bằng phím âm lượng.
Trừ khi các hãng smartphone Android có thể làm ra các nút nhạy áp có chất lượng cao như công nghệ Taptic Engine mà Apple áp dụng trên iPhone 7 và iPhone 8 (điều này nhiều khả năng chưa thể xảy ra trong tương lai gần), phản hồi xúc giác chắc chắn là không thể sánh bằng phản hồi vật lý.
Dẫu sao, tôi vẫn thừa nhận rằng các nút nhạy áp có thể khá hữu ích nếu công nghệ dành cho chúng được cải tiến. Khi các vấn đề về tốc độ và độ tin cậy được giải quyết, chúng ta sẽ có một chiếc điện thoại với vẻ ngoài tinh tế hơn nhờ khung viền phẳng, không có nút bấm vật lý, trong khi mọi chức năng của nút vật lý thông thường vẫn được đảm bảo.
Còn ở hiện tại, điện thoại không nút bấm mang lại trải nghiệm không mấy dễ chịu trong việc điều chỉnh âm lượng và bật/tắt màn hình.
Trên đây là những chia sẻ của Joe Maring về điện thoại không nút bấm. Còn bạn, bạn nghĩ gì về cách thiết kế này? Cùng chia sẻ quan điểm ở phần bình luận phía dưới nhé!
Xem thêm:
- Là iFAN nhưng bạn đã thấy bảng mạch của chiếc iPhone nguyên bản?
- Ở thời đại số, tiện nghi được đánh đổi bằng dữ liệu cá nhân