Mặc dù Samsung đang là một trong những nhà sản xuất thiết bị thông minh hàng đầu thế giới, thế nhưng để kéo được "đoàn tàu" này về phía xa hơn, "Ba ngôi sao" của Hàn Quốc phải chuyển hướng quan tâm sang một lĩnh vực khác.
Và đó chính là mảng phần mềm. Lí do Samsung phải tập trung tự phát triển phần mềm cho các thiết bị thông minh, từ smartphone cho tới smartwatch chính là vì hiện nay các sản phẩm của Samsung vẫn chưa thực sự có một sự nổi trội hơn hẳn khi so với các đối thủ về mặt phần mềm do đều dùng chung hệ điều hành Android.
Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào mảng phần cứng, kể cả buôn bán linh kiện cho các hãng smartphone khác cũng khó giúp Samsung giữ được vị thế của mình vì nếu làm vậy họ sẽ trở thành nhà cung cấp linh kiện chứ không còn là một "ông hoàng" của giới công nghệ.
Gần đây bản thân Samsung cũng đã nhận ra rằng muốn tiến lên phía trước, ngoài những điều đột phá thì phải cần đến tiền để đi lên. Nhưng việc buôn bán linh kiện, phần cứng đang ngày càng bị các đối thủ khác cạnh tranh mạnh mẽ. Phần cứng cho các thiết bị thông minh ngày một rẻ hơn và chất lượng cũng được nâng cao hơn.
Điển hình là công ty chuyên sản xuất chip cho thiết bị di động là MediaTek đã giới thiệu nhiều dòng chip có hiệu năng cao nhưng mức giá lại rất phải chăng, từ đó giúp các nhà sản xuất khác tạo ra những chiếc smartphone phù hợp với túi tiền của người dùng.
Đối với một công ty lớn như Samsung, đó là những dấu hiệu cảnh báo rằng họ nên phát triển một mảng khác mạnh mẽ hơn để bớt phụ thuộc vào mảng phần cứng. Đúng lúc này mảng phần mềm nổi lên như một "ứng cử viên sáng giá" nhằm nhận được sự đầu tư của Samsung.
Và may thay nó đã dần nhận được sự đầu tư kĩ càng của Samsung. Hệ điều hành Tizen, tiền thân là Bada, đã được Samsung để hàng triệu USD vào để nghiên cứu và phát triển.
Theo trang AndroidHeadlines, Samsung gần đây đã sẵn sàng chi ra tổng cộng 1 triệu USD mỗi tháng để "thưởng" cho những lập trình viên có ứng dụng được download nhiều nhất trong tháng đó.
Với sự đầu tư đúng mực, hệ điều hành Tizen đang ngày một phát triển và nó cũng đã được tuỳ biến để chạy trên cả smartwatch lẫn các thiết bị thông minh trong nhà nhằm phụ vụ cho kỉ nguyên của Internet of Things.
Chưa hết, trong năm nay Samsung cũng đã mua lại một công ty cung cấp ứng dụng nhắn tin có cơ chế tựa như Hangout và đã "thu phục" luôn một công ty phát triển trí tuệ nhân tạo, qua đó càng làm sáng tỏ hơn về khả năng một ngày nào đó Samsung sẽ "chia tay" với Android và sử dụng một hệ điều hành do họ tự tay phát triển trên các sản phẩm của mình.
Các chuyên gia cho rằng đang là một bước chuyển mình đúng đắn và cực kì sắc bén của Samsung vì nếu họ tự tay giới thiệu được một hệ điều hành cho riêng họ như cái cách mà Apple đã làm với iOS, Samsung sẽ nâng vị thế của mình lên cao hơn nữa.
Đồng thời họ sẽ tự quản lí được thông tin hay dữ liệu của người dùng, từ đó đưa ra các cơ chế bảo mật tốt hơn. Quan trọng nhất là trong một thị trường mà các smartphone đã gần tựa như nhau, chính phần mềm khác biệt sẽ giúp các hãng điện thoại trở nên nổi bật hơn so với phần còn lại và Apple chính là minh chứng cho điều đó.
Bạn có ủng hộ việc các dòng Samsung Galaxy trong những năm tới chạy hệ điều hành Tizen? Bạn nghĩ sao về việc Samsung sắp từ bỏ Android? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.
Xem thêm: