Có thể thấy đợt dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên diện rộng. Học sinh, sinh viên được cho nghỉ tại nhà. Hình thức học đang được áp dụng là học trực tuyến thông qua phần mềm họp online. Vậy, học sinh, sinh viên ở những vùng sâu, vùng xa không có internet, không đủ điều kiện mua các thiết bị phục vụ học trực tuyến. Liệu có quá thiệt thòi cho các em so với học sinh thành thị?
Những ngày vừa qua, giữa những thông tin bệnh dịch bủa vây và thời gian trở được lại trường được dời vô thời định, thì đề án của Bộ Thông tin và Truyền Thông như một thông tin tích cực trong những ngày này.
Đề án thúc đẩy việc sản xuất ra những chiếc smartphone Việt Nam phổ cập đến tất cả người dùng di động cả nước, trang bị đầy đủ 3G với giá chỉ 500.000 đồng tôi thấy hết sức cần thiết và thiết thực nhất là trong giai đoạn này.
Cùng với chủ trương khai tử 2G tại Việt Nam và chương trình với hy vọng sẽ phổ cập điện thoại thông minh tới 100% người dân Việt Nam.
Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50 USD. Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân sẽ chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500.000 đồng. Khi 100% người dân sử dụng smartphone, điều này sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử. Nhất là khai báo y tế mùa Covid.
Vậy chúng ta kỳ vọng gì ở chiếc điện thoại được trợ giá, chỉ còn 500k ?
Cấu hình sẽ như thế nào?
Với cá nhân tôi, phủ sóng smartphone 500.000 đồng tới mọi miền đất nước cần có sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Cách mà các nước phát triển và phương Tây đã và đang áp dụng từ rất lâu.
Cụ thể hơn về chương trình này, mỗi nhà mạng sẽ cùng tài trợ khoảng 10 USD cho mỗi thiết bị được sản xuất ra, đi kèm theo 1 USD/ ứng dụng được cài sẵn trên máy đến từ các nhà phát triển ứng dụng. Với dự kiến sẽ có khoảng 10 ứng dụng được cài đặt sẵn trên thiết bị thì khi chiếc smartphone này đến tay người tiêu dùng chỉ còn mức giá khoảng 20 USD (tức khoảng 460.000đ)
Với những thông tin từ Bộ TT&TT, tôi hình dung cấu hình của chiếc smartphone 500.000 đồng sẽ tương tự như những chiếc smartphone đang có giá khoảng 900~1 triệu đồng. Đơn cử là chiếc Vsmart Bee của Vinsmart. Đang được Thế Giới Di Động bán với giá 790.000 đồng
Sở hữu khung nhựa, mặt lưng nhựa, và chạy hệ điều hành Android là chắc chắn. Nếu chiếc máy này sở hữu cấu hình tương tự Vsmart Bee với camera trước 8.MP, camera sau 5 MP. Chip Media Tek 4 nhân, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16Gb hỗ trợ thẻ nhớ gắn ngoài. Ngoài ra có hỗ trợ 4GB thì rất tuyệt. Viên pin của Bee là 2500mAh, sẽ tuyệt hơn nếu được trang bị viên pin 3.000 mAh.
Với cấu hình như trên và mức giá được hỗ trợ 500.000 đồng thì tôi không có gì để phải phàn nàn. Mức cấu hình đó đủ mượt để phục vụ các nhu cầu bình thường như nghe gọi, đọc tin tức, xem YouTube, giải trí đơn giản hay mạng xã hội.
Điều tôi hy vọng nhất là chiếc máy thiết kế đừng trông quá rẻ tiền, ọp ẹp. Màn hình đủ to hiển thị chất lượng ổn, hướng đến đối tượng người dùng lớn tuổi. Có thông tin cho biết BKAV cũng sẽ tham gia vào đề án này. Tôi hy vọng BKAV sẽ tạo ra một giao diện trực quan hơn, thuần Việt, phù hợp cho những người chưa từng có điều kiện tiếp xúc với thiết bị công nghệ dễ dàng sử dụng.
Với cá nhân tôi, tôi không quan tâm liệu chiếc máy đó có phải Made in Vietnam hay sản xuất từ nước nào khác không. Chỉ cần là một chiếc máy giá rẻ, dùng ngon và bền là được. Vsmart Bee được bảo hành 18 tháng, hy vọng chiếc máy được trợ giá này cũng thế, đừng làm cho có mà nên có sự cạnh tranh với điện thoại có trên thị trường.
Viễn cảnh tốt đẹp
Lợi ích của việc này như tôi đã nói bên trên, sẽ giúp đất nước đẩy nhanh chương trình chiến lược chuyển dịch số, xã hội số, thanh toán số và Chính phủ số.
Tôi rất kỳ vọng vào chiếc điện thoại giá rẻ này, có thể giúp những người chưa có điều kiện có thể kiếm thêm thu nhập như đăng ký làm việc từ các ứng dụng Grab, GoViet hay Beamin, Now,...
Những người lớn tuổi có thể mua để giải trí, liên lạc, videocall với gia đình ở xa. Các em học sinh, sinh viên có thể mua để học online mọi lúc.
Ngoài ra, lợi ích to lớn từ chương trình này là thúc đẩy để tạo lợi ích lâu dài, nâng cao dân trí.
Đây là chủ trương tôi đánh giá rất cao, đáp ứng chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số của đất nước. Việc người dân tiếp cận nhanh với thông tin sẽ giúp nhà nước truyền đạt đến tốt hơn.
Điển hình là dịch bệnh hiện nay, ở những vùng quê lạc hậu về thông tin. Mọi người truyền tai nhau những tin thất thiệt, làm hoang mang dư luận.
Tuy nhiên, tôi cũng đề xuất ý kiến, nhà sản xuất nên cài đặt những ứng dụng tin tức chính thống, thông tin từ cơ quan Chính phủ mặc định vào máy. Để người dân có thu nhập thấp, vùng sâu hay có dân trí chưa cao nắm bắt thông tin nhanh và chính xác hơn.
Đề án này có ai thiệt không?
Tôi dám chắc với các bạn là không. Việc nhà mạng bỏ tiền trước tài trợ giống như “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”.
Thông tin từ Thị trường Adsota, Việt Nam hiện nay có 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, tương đương tỷ lệ 44,9%. Vậy hiện tại có khoảng 53,7 triệu người chưa có smartphone. Trừ những người già trên lớn hơn 70 tuổi và trẻ em nhỏ hơn 13 tuổi. Còn khoảng 40 triệu người chưa có smartphone.
Tôi nhẩm tính chi phí nhà mạng bỏ ra khoảng 400 triệu USD. Chúng ta có 3 nhà mạng lớn và một số nhà mạng nhỏ. Nếu cùng trợ giá mỗi nhà mạng tốn khoảng 100 triệu USD.
Nhưng sau khi đầu tư ban đầu vậy, sẽ thu lợi về sau. Bởi càng nhiều người dùng máy smartphone thì nhu cầu dùng Internet càng lớn. Khi nhu cầu 4G càng nhiều thì khả năng thu hồi vốn đầu tư 4G càng nhanh. Hình thức này đã phổ biến trên thế giới, bán trả chậm và việc trợ giá là tính vào gói cước. Nhất là tại Mỹ, chúng ta thường thấy các máy iPhone lock nhà mạng cũng là hình thức tương tự.
Bạn sẽ mua chứ?
Sao chúng ta phải nghi ngờ đề án trên, hãy luôn hy vọng vào những điều tích cực trong cuộc sống. Nếu thành hiện thực, với mức giá quá hời cho một chiếc máy được tài trợ 50%. Với tôi, không có lý do nào lại từ chối mua một chiếc điện thoại như thế khi mà nhu cầu đang cần. Còn bạn, bạn sẽ mua chứ? Hãy để lại comment cho chúng tôi biết nhé.
Biên tập bởi Hồ Nguyễn Anh Phong