Tin mới Thị trường

Apple chỉ đang cà khịa hay iPhone đang bước vào thời kì tăm tối?

Trần Công Danh
01/11/19

Nhận xét cá nhân tôi về buổi ra mắt sản phẩm và dịch vụ mới của Apple lần này cực kỳ nhàm chán, phần lớn thời gian dùng để nói về tốc độ xử lý và các thông số kỹ thuật. Những màn tung hô, ca ngợi chẳng khác điều từng xảy ra vào khoảng thập niên trước, kỷ nguyên của PC/Laptop.

Cũng đã lâu rồi Apple không còn nói về các ý tưởng mới, thiết kế phá cách. Chưa hết, lần này Apple lại mang các thông số đem so sánh với các hãng khác mà cư dân mạng gọi vui là “cà khịa”. Kỳ lạ so với những lần trước, chỉ so sánh “nội bộ” không hề nhắc tới tên các đối thủ.

Xưa nay trong giới smartphone đầy những chiêu trò PR, bóc mẽ nhau từ thiết kế, công nghệ cho đến những lỗi trên thiết bị gặp phải. Tuy nhiên Apple luôn đứng ngoài với vai trò “người bị hại”, mặc cho các hãng đá đểu, mỉa mai đủ cách. Thì sự kiện năm nay ngoại lệ, Apple đã “kém sang” dành hẳn 2 slide để chứng minh A13 nhanh nhất trong giới smartphone.

Sau sự kiện ra mắt lần này, có quá nhiều điểm kỳ lạ mà cá nhân tôi cảm thấy đó những dấu hiệu không tích cực cho iPhone, iPhone có đang chậm lại?

Lần đầu tiên so sánh chip (CPU & GPU) với các hãng khác

Những năm qua, rõ ràng chip Apple luôn mạnh hơn chip đến từ Android, nhưng Apple chưa hề mang ra so sánh mà phần lớn đều “nhờ” truyền thông so sánh hộ. Nhưng tại sao lần này bỗng dưng Apple lại thay đổi chiến thuật PR (Public relations) như vậy?

Con chip A13 cũng được dành nhiều thời gian giới thiệu hơn, với một màn giới thiệu khô khan với người dùng phổ thông. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết này để hiểu thêm về chip A13 Bionic, quá nhiều thuật ngữ kỹ thuật phức tạp được đem lên sân khấu. Phải chăng iPhone đã không còn gì hấp dẫn khác để giới thiệu?

Với cá nhân tôi, tôi cảm thấy Apple không phải “cà khịa” với hãng khác như dân mạng thường gọi. Mà Apple đang thật sự xem các hãng đó là đối thủ thật sự. Những năm trước, Apple luôn cho mình ở vị trí ngôi vương và bỏ xa các đối thủ trên thị trường. Không hề so sánh hay làm giống bất kỳ tính năng, công nghệ nào từ các đối thủ, và thường sẽ buộc Google, hay Samsung, LG hoặc Huawei phải chạy theo họ.Việc so sánh lần này khác nào chính Apple đang bắt đầu “sợ” các đối thủ, sợ họ sắp đuổi gần kịp mình.

Tại sao đến giờ Apple mới làm vậy?

Có lẽ liên tục đánh mất vị trí sản phẩm bán ra nhiều nhất vào tay Samsung & Huawei như một lời nhắc nhỡ. Chỉ riêng 2018, Samsung chiếm 28% thị phần, Huawei là 21.2% và Apple chỉ còn 16.6%  tổng lượng smartphone xuất xưởng và bán ra toàn cầu. Doanh số cũng vì vậy mà sụt giảm, Apple đưa ra dự báo không mấy khả quan về doanh số iPhone trong Q4/2018 sẽ giảm từ mức 93 tỷ USD xuống chỉ còn 84 tỷ USD.

Bảng thống thị phần và tốc độ tăng trưởng Top 5 thương hiệu smartphone lớn nhất toàn cầu

Những năm trước, Apple vốn chẳng đoái hoài gì đến lời khiêu chiến của Samsung hay Huawei là bởi doanh số iPhone vẫn đủ cao, đủ ổn định để nhà Táo có thể bỏ qua người dùng Android. Năm nay, iPhone đã suy giảm quá nhiều, Apple cần phải thu hút nhóm người dùng Android đang dần nâng cấp... Và thế là Apple tổ chức một sự kiện kỳ dị và đưa ra thông điệp khiêu chiến mạnh mẽ đến các đối thủ.

Giành lại thị phần bỏ quên từ tay Google, thị trường các nước đang phát triển, tâm lý chọn mua sản phẩm giá rẻ, cấu hình và sức mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam....Chẳng có cách nào tuyệt vời hơn để hút người dùng Android bằng cách đem chính Android ra so sánh cả. Tạo ra các sản phẩm giá rẻ, với nhiều màu sắc trẻ trung, hướng tới giới trẻ, người có thu nhập trung bình nhưng muốn sở hữu. 

iPhone 5c doanh số ấn tượng, số lượng bán ra năm 2013 là 12.8 triệu chiếc (kém người anh cùng ra mắt iPhone 5s đạt gần 40 triệu chiếc), vào quý II năm nay iPhone Xr chiếm gần 50% lượng iPhone bán ra ở thị trường Mỹ. 

Điều này chứng tỏ tốc độ phát triển của Táo đang chậm lại, phải tìm hướng đi từ các đối thủ mà không đi theo hướng riêng như trước giờ. Buộc Apple phải quan tâm hơn đến các sản phẩm giá rẻ, các sản phẩm mang phong cách trẻ trung và thị trường đang phát triển. Không tập trung đánh bóng brand bằng các dòng sản phẩm cao cấp. 

Chiến thuật Marketing khó hiểu

Năm nay, Apple mang cái tên “Pro” lên iPhone, cái tên làm nhắc tới phiên bản cao cấp, đắt tiền trên Macbook, iPad. iPhone vốn dĩ là sản phẩm dành cho số đông người dùng, thì với tên “Pro” có phải Apple đang muốn tạo ra thêm một phân khúc cao cấp hơn để phân biệt với iPhone 11 mà không phải dùng các từ “c” hay “r” ?

Nhưng thực tế, nó lại không quá cao siêu để tạo ra một sự khác biệt lớn. Điều mà dòng Macbook AirMacbook Pro hay iPad Pro và iPad Gen-year đang tạo ra thành công, một khoảng cách rõ ràng từ giá tới công nghệ và thiết kế. Chẳng biết ý đồ của Apple trong cách đặt tên lần này là gì!

Có chăng là cái tên “Pro”, một chiêu trò PR của nhà Táo mà không phải là sản phẩm “Pro” thật sự.

Cạn ý tưởng thiết kế

Nói một cách công bằng, 10 năm qua Apple đã luôn nỗ lực trong việc làm ra những sản phẩm tốt hơn cho người dùng: các sản phẩm luôn có sự hoàn thiện cao về phần cứng, hoạt động mượt hơn trên phần mềm, các công nghệ mới nhất như màn hình OLED hoặc các tính năng bảo mật cao như Face ID. 

Nhưng năm nay là năm đáng buồn nhất dành cho iPhone. Những năm trước đây sự kiện luôn ngộp thở bằng màn giới thiệu iOS mới, Siri thông minh hơn, có chip 64-bit, 7nm hay 3D Touch, màn hình True Tone. Thì năm nay Apple lại dành thời lượng giới thiệu dịch vụ nhiều hơn.Quý vừa rồi, Apple Music, Apple Pay, App Store... mang lại cho Apple 10.8 tỷ USD doanh thu. Mảng dịch vụ đem lại doanh thu khủng cho nhà Táo, cũng vì vậy mà năm nay Apple giành thời gian giới thiệu dịch vụ nhiều hơn. Điều này làm tôi cảm thấy lo lắng hơn cho mảng phần cứng.

Kể từ iPhone 7 dù chứng kiến chu kỳ làm mới của Apple bị nâng lên 3 năm nhưng ít nhất còn có camera kép tạo ra trào lưu xóa phông, còn bỏ cổng tai nghe và ra mắt màn hình tai thỏ tạo khác biệt...thì năm nay chiếc iPhone Pro được Tim Cook chào sân bằng cụm từ  "Innovation" (đột phá) nhưng không thấy nổi trội, đột phá, toàn “xào nấu” bằng cách xài lại thiết kế cũ, thay đổi vật liệu, chất liệu mặt lưng, tăng giảm kích thước, thêm camera và màu sắc.

Năm nay thị trường smartphone trong thế giới Android chắc sẽ có nhiều khác biệt về thiết kế, nhà Táo năm nay không có gì để các hãng khác chạy. Những năm trước Apple đã tạo ra rất nhiều làn sóng, “nhà nhà” phải mang lên thiết bị của mình, đơn cử là cảm biến vân tay, hay màn hình tai thỏ, khung máy kim loại và mặt lưng kính. Năm nay có chăng sẽ là trao lưu 3 camera, điều này đã được một số hãng Android làm trước đó.

Nhưng điều đáng phải lo lắng hơn là người đứng đầu mảng thiết kế Jony Ive đã chính thức rời khỏi Apple, người đã thổi hồn vào rất nhiều sản phẩm nhà Táo từ thời Steve Jobs. Trong 30 năm gắn bó với Apple, Ive đã xây dựng một team thiết kế mạnh, những người tài giỏi đã tạo ra những phần cứng và phần mềm như kiệt tác nghệ thuật, tuyệt vời cả về hình thức lẫn trải nghiệm người sử dụng. Nhưng đã có hơn 6 thành viên kỳ cựu của nhóm thiết kế này đã rời Apple trong vòng 3 năm qua.

Giới hạn vật lý trong công nghệ thiết kế Chip

Ngay cả trong ngành PC, Intel hay AMD cũng đang chậm lại trong chu kì thiết kế chip. Trong những năm gần đây nhiều chuyên gia công nghệ đã lên tiếng cảnh báo về "cái chết" cận kề của định luật Moore. Ví dụ, kể từ năm 2012, chi phí sản xuất chip bán dẫn silicon bỗng dưng gia tăng do các nghiên cứu nhằm gia tăng tốc độ xử lý ngày càng đòi hỏi các khoản đầu tư "nặng ký" hơn trước đây. Chi phí R&D ngày càng đắc đỏ.

Đáng lo ngại hơn, silicon ngày càng tiến gần đến các giới hạn vật lý, đe dọa trực tiếp tới nhịp sáng tạo "tăng gấp đôi 2 năm một lần" đã đi vào tiềm thức của thế giới hi-tech. Điều này có nghĩa rằng tốc độ phát triển của nhân loại trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học cũng sẽ bị đe dọa thì các sản phẩm smartphone và cả iPhone cũng không ngoại lệ.Giới hạn vật lý đang là rào cản, kích thước 7nm đã tiệm cận tới kích thước không thể nhỏ hơn. Riêng về chip A13 Bionic mới nhất đã rất nhanh, với tốc độ đó có thể không cần phải nhanh hơn nữa. Các thiết kế nhân trong chip cũng đã được thiết kế, sắp xếp một cách hợp lý, khó mà có thể tốt hơn.

Màn hình điện thoại 2K đã quá dư thừa. Không cần đến 4K/8K vì mắt người không thể thấy được sự khác biệt, chưa kể tiêu thụ pin nhiều hơn, chi phí linh kiện cũng tăng theo. Ở thời điểm hiện tại và vài năm sau sẽ khó có sự bùng nổ về chip. Nếu có chỉ là những bản cập nhật để tiết kiệm pin hơn hoặc công nghệ mạng 5G được tích hợp.

Và cuối cùng phải kể đến mối giao tình giữa Apple và ARM 30 năm qua, nay cũng không còn mặn nồng khi mà Softbank đã mua lại cổ phần của ARM. Không biết hiện tại Apple có còn nắm giữ cổ phần trong ARM hay không. Việc không được ARM hậu thuận thì chip của Apple và Android trong tương lai sẽ không còn cách biệt.

8 năm, Apple không còn Steve Job

Khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, những di sản của Steve Job để lại trong 8 năm qua Apple đã dùng hết hoặc thay đổi hoàn toàn, dường như mọi chuyện chững lại. Dựa trên những gì Apple đã làm trong năm nay, cả cố tình lẫn vô ý, các fan có quyền lo ngại về một Apple không còn cả Jobs lẫn Ive. Một Apple không còn bản sắc ban đầu Jobs tạo ra.

Những giá trị cốt lõi và nền tảng được Steve Jobs để lại, Tim Cook đã vận dụng tối đa, phất cao ngọn cờ, đưa Táo lên một đỉnh cao mới, giá trị công ty đạt hơn 1000 tỷ đô. Ông theo đuổi triết lý mới: tạo ra các sản phẩm dễ bán hơn, không cần dễ dùng hơn. Các sản phẩm dưới thời Cook không còn là sản phẩm mang giá trị nghệ thuật, sản phẩm tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ toàn cầu nữa mà chỉ là sản phẩm bán chạy nhất.

Trong lần ra mắt lần này, những chiếc iPhone luôn là tâm điểm, giúp Apple “xanh” hơn trên sàn chứng khoán, sau đêm ra mắt giá cổ phiếu AAPL đã vượt qua mức 221.16 USD/ cổ phiếu, giúp Apple đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD. Nhưng tương lai của iPhone sẽ như thế nào, khi mà iPad đang dần chết. Tầm nhìn của Steve Jobs về màn hình 9.7 inch trên iPad đã bị khai tử. Gần đây iPad nếu có ra mắt thì cũng chỉ là "giới thiệu ké". iPad năm nay tỏ ra hoàn toàn mờ nhạt với chip A10, giá rẻ và duy nhất 1 tính năng mới là khả năng hỗ trợ Smart Keyboard. 

Trong suốt 3 năm qua, có một nỗi sợ vô hình đã bao trùm lên các nhà đầu tư của Apple: nhà Táo vẫn sống bằng iPhone, mà thị trường smartphone thì đã liên tục suy giảm. Như một phép màu thần kỳ, Apple đã luôn đánh bại nỗi sợ đó. iPhone 6s cải tiến nhẹ 3D Touch không hữu dụng; iPhone 7 xài lại thiết kế cũ, bỏ cổng tai nghe; iPhone XiPhone 8 Plus thì giá cao... Ấy thế Táo vẫn liên tục tăng trưởng doanh số.

Sản lượng iPhone bán ra toàn cầu từ năm 2007 đến 2018

Cho đến mùa đông năm ngoái thì phép màu không còn với doanh thu lần đầu tiên bị sụt giảm so với cùng kỳ một năm trước đó, lợi nhuận chủ yếu từ các sản phẩm dịch vụ, thiết bị đeo, rõ ràng là iPhone đã không thể duy trì tăng trưởng... vĩnh viễn.

Kết Bài

Trong bài viết này, dựa vào những gì đang diễn ra với Apple hiện nay, tôi trình bài những suy đoán theo quan điểm cá nhân của mình.Tương lai có quá nhiều biến số để có thể đoán định. Liệu smartphone có thể đứng vững trước những thử thách của thời gian, hay sẽ phải chấp nhận lùi về phía sau và nhường chỗ cho các sản phẩm mới hơn. Không ai có thể nói chắc chắn điều gì, nhưng lịch sử có thể sẽ lặp lại với smartphone như đã từng với PC, laptop và giờ là iPad. Chúng vẫn là sản phẩm cần thiết trong cuộc sống, mọi người đều sở hữu, nhưng sẽ không được quan tâm, nâng cấp thường xuyên như hiện nay. Các bạn suy nghĩ sao về lần cà khịa này của Apple để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Xem thêm : Apple A13 Bionic hay Snapdragon Qualcomm 855+ vi xử lý nào mạnh hơn?

Biên tập bởi Hồ Nguyễn Anh Phong