5 điều Apple và Samsung nên học hỏi từ các nhà sản xuất Trung Quốc
Thời gian gần đây, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang gặt hái được nhiều thành công trong làng di động với những công nghệ hàng đầu cùng sự tăng trưởng doanh thu đều đặn. Trong khi đó, hai ông lớn là Apple và Samsung đang có dấu hiệu chững lại.
Smartphone Huawei mặc dù bị cấm ở Hoa Kỳ vì những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung cùng lo mối lo ngại về bảo mật thông tin, công ty này vẫn đang băng băng trên đường trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới về doanh số.
Các nhà sản xuất Trung Quốc khác như OnePlus, Xiaomi, OPPO, Vivo đều đang trên đà phát triển. Có thể thấy các hãng smartphone Trung Quốc đang làm tốt hơn Apple và Samsung ở một số khía cạnh mà người tiêu dùng cần. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem những điều này là gì dựa trên thông tin được PhoneArena chia sẻ nhé.
1. Trang bị sạc nhanh trong hộp
Apple là nhà sản xuất có giá bán điện thoại cao nhất trong toàn bộ làng di động. Tuy nhiên, gã khổng lồ này lại không trang bị bộ sạc nhanh đi kèm với sản phẩm mà thay vào đó, người dùng phải chi trả thêm một khoản tiền khá lớn để có thể sở hữu. Điều này được cho là vô lí và khó có thể chấp nhận được.
Hãy nhìn lại các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Chiếc flagship mới nhất của Huawei, Mate 20 Pro, được đi kèm với bộ sạc nhanh 40 W ấn tượng. Nhưng ngay cả những chiếc điện thoại có mức giá tầm 500 USD (~ 11.6 triệu đồng) như OnePlus 6T và Xiaomi Mi MIX 3 cũng đi kèm bộ sạc nhanh trong hộp.
Đây có thể là một trong những lí do mà các sản phẩm từ Trung Quốc đang ngày càng được ưa chuộng hơn. Apple và Samsung nên học hỏi cách tiếp cận này của những OEM Trung Quốc để có thể thành công hơn nữa.
2. Trang bị ốp lưng đi kèm
Sự khác biệt rõ rệt trong hộp đựng giữa các điện thoại thông minh Trung Quốc với các nhà sản xuất khác chính là phụ kiện đi kèm. Ốp lưng chính là yếu tố mình muốn đề cập ở đây. Huawei Mate 20, Huawei Mate 20 Pro, OnePlus 6T, Xiaomi Mi 8, Mi MIX 3 và thậm chí cả dòng điện thoại Redmi giá rẻ đều được đi kèm với ốp lưng silicon trong hộp đựng.
Tuy đây không phải là những chiếc ốp lưng quá chất lượng hay có tính thời trang cao, nhưng chúng khá mỏng và có thể giúp bảo vệ điện thoại tránh được những trầy xước trong thời gian đầu người dùng chưa mua được ốp lưng phù hợp.
Trong khi đó, tại sao Apple và Samsung lại không trang bị một phụ kiện có giá chỉ 1 hoặc 2 USD (chưa tới 50 nghìn đồng) trong hộp đựng những chiếc điện thoại ngàn đô của họ? Thậm chí Apple còn bán ốp lưng của iPhone Xr với giá lên đến 40 USD (gần 1 triệu đồng), chả trách người dùng thường gán Apple với cái mác “kẻ hút máu người dùng”.
3. Bộ sạc không dây trong hộp
Sạc không dây hiện chưa phải là tính năng quá phổ biến trong thị trường smartphone, tuy nhiên Xiaomi đã đi trước một bước khi trang bị bộ sạc không dây trong hộp đựng sản phẩm Mi MIX 3, hơn hết là phụ kiện này hoàn toàn miễn phí.
Trong khi đó, Apple và Samsung đang bán độc lập các bộ sạc không dây của họ ở cửa hàng chính thức với giá lên tới 50 USD (~ 1.16 triệu đồng). Vị chi nếu mua một chiếc Xiaomi Mi MIX 3, người dùng có thể tiết kiệm được tới 80 USD (hơn 1.8 triệu đồng) tiền phụ kiện trên một chiếc điện thoại có giá chỉ bằng một nửa so với iPhone Xs.
4. Dẫn trước về thời lượng pin
Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc luôn làm người dùng cảm thấy hài lòng về dung lượng pin trên thiết bị. Những chiếc điện thoại này thường được trang bị viên pin có dung lượng từ 3.000 đến 4.000 mAh hoặc thậm chí cao hơn, thoải mái cho một ngày sử dụng.
Trong khi đó, ở khía cạnh này, Apple và Samsung đang cố gắng bắt kịp các OEM Trung Quốc, đặc biệt là với các dòng điện thoại mới nhất.
Apple có iPhone Xr với thời lượng pin được cải thiện hơn so với các thiết bị tiền nhiệm (2.942 mAh) và Samsung có Galaxy Note 9 đi kèm với viên pin 4.000 mAh. Tuy nhiên hai công ty này nên có những đột phá hơn nữa chứ không nên cố gắng bám đuổi như thế này.
5. Giá bán hợp lí
Yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất mà mình muốn đề cập, đó chính là giá bán sản phẩm. Các nhà sản xuất Trung Quốc, nổi bật là Xiaomi luôn có mức giá vô cùng rẻ cho thiết bị với cấu hình cao cấp của mình.
Xiaomi thậm chí tuyên bố mình chỉ thu lợi nhuận 5% trên mỗi chiếc smartphone được bán ra. Đó là lí do tại sao người dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm từ OEM Trung Quốc.
Còn Apple và Samsung thì sao, họ là những nhà sản xuất đầu tiên mang đến thị trường di động định nghĩa “smartphone ngàn đô” và dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá bán cho các thiết bị tiếp theo. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại về doanh số trong thời gian gần đây của hai công ty này.
Samsung và Apple nên biết lắng nghe người tiêu dùng hơn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các hãng smartphone Trung Quốc.
---
Trên đây là những điều mà Apple và Samsung nên học hỏi và cải thiện từ những nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. Bạn đồng ý với điều nào nhất, cùng chia sẻ ý kiến cùng mình trong phần bình luận dưới bài viết này nhé.
Xem thêm:
- Hành trình “tiến hóa” của viền màn hình: Thời của điện thoại không viền sắp đến?
- 5 thách thức mà điện thoại màn hình gập của Samsung sẽ phải đối mặt
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.