Nếu bạn là người đam mê thưởng thức âm nhạc thì loa là thiết bị không thể bỏ qua. Để chọn được dàn loa ưng ý và chất lượng, bạn cần hiểu được các thông số kỹ thuật của loa. Bài viết sau đây cung cấp thông tin về những đơn vị âm thanh cần nhớ để chọn đúng loa cho gia đình, cùng theo dõi nhé!
Theo lý thuyết, dải tần số âm thanh mà tai người nghe được nằm trong khoảng từ 20Hz - 20kHz. Dải tần số trên được chia thành 3 khoảng tần số cơ bản nhất để dễ xác định, bao gồm:
- Bass (âm trầm, thường được tính từ 20Hz - 200Hz).
- Mid (âm trung, từ 200Hz - 4kHz).
- Treble (âm cao, từ 4kHz - 20kHz).
1. Số đường tiếng
Số đường tiếng là số củ loa phụ trách các dải tần số khác nhau của loa.
Về phương diện vật lý, tần số dao động của màng loa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố như: Chất liệu tạo thành, kích thước của màng loa và viền loa, sức mạnh của nam châm trong củ loa,...
Tuy nhiên, vật liệu cấu tạo của loa đều có giới hạn, để có được độ chuẩn xác cao nhất của âm thanh, bạn nên chọn loa 3 đường tiếng (số đường tiếng được tính bằng loại củ loa). Mặt khác, giá của loa 3 đường tiếng khá cao nên đa phần bạn sẽ thấy loa 2 đường tiếng đối với phân khúc giá rẻ.

Lưu ý:
- Tránh nhầm lẫn giữa số đường tiếng và số củ loa
Ví dụ một chiếc loa có 3 củ loa, trong đó có 2 củ loa tweeter (tái tạo dải cao) và 1 củ loa woofer (tái tạo dải thấp) thì vẫn chỉ có 2 đường tiếng dù có 3 củ loa.
- Loa Sub
Có nhiệm vụ phụ trách dải tần số cực thấp (khoảng 20Hz đến dưới 100Hz). Nhằm đạt hiệu quả tái tạo tốt nhất cho dải tần số này, loa Sub chỉ có 1 đường tiếng.
2. Công suất định mức và công suất đỉnh
Công suất định mức thể hiện độ lớn âm thanh phát ra từ loa và có thể phát liên tục mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của loa. Đơn vị công suất là watt (W).
Công suất đỉnh là công suất tối đa mà loa có thể hoạt động được trong một thời gian ngắn.
Để có được bộ loa phù hợp nhất, bạn nên chọn loa có công suất khoảng 150W với không gian phòng 25 - 40 mét vuông dành cho gia đình.
Nếu diện tích phòng và công suất loa chênh lệch nhau nhiều, âm thanh từ loa sẽ bị chùng và thiếu lực (diện tích nhỏ, công suất cao) hoặc nghe chói và bể tiếng (phòng lớn, công suất nhỏ).

3. Độ nhạy của loa
Độ nhạy là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quyết định chất lượng âm thanh của loa.
Ở một mức công suất khuếch đại nhất định, độ nhạy biểu thị cường độ âm thanh mà loa có thể phát ra và được tính bằng đơn vị decibel (dB).
Ví dụ, loa có độ nhạy 77dB sẽ cung cấp mức áp suất âm thanh 77dB với nguồn điện 2W và đo ở khoảng cách 2m.
Thông số này sẽ giúp bạn chọn được amply phối ghép có công suất đầu ra phù hợp. Thường thấy, loa dễ "đánh" với amlply hơn khi có độ nhạy cao so với độ nhạy thấp.

4. Trở kháng
Trở kháng hạn chế tối đa khả năng cháy mạch amply khi phối ghép sai. Các mức trở kháng thường thấy là 4ohm, 6ohm hoặc 8ohm.
Loa có trở kháng 6ohm hoặc 8ohm sẽ dễ phối ghép với amply hơn là trở kháng 4ohm. Sở dĩ như vậy là bởi vì dòng loa trở kháng thấp yêu cầu công suất khuếch đại lớn, có thể dẫn đến nguy cơ làm quá tải amply.
Để thuận tiện cho người dùng, các nhà sản xuất amply sẽ liệt kê công suất đầu ra theo từng loại trở kháng để người dùng có căn cứ phối ghép.

5. Tần số đáp ứng và đáp tuyến tần số
Tần số đáp ứng thể hiện khả năng tái tạo tần số từ mức thấp nhất tới cao nhất của loa.
Ví dụ, loa có tần số đáp ứng từ 40Hz - 40kHz sẽ có khả năng tái tạo âm trầm thấp nhất là 40Hz và âm cao cao nhất là 40kHz.
Đáp tuyến tần số là 1 đồ thị biểu diễn cường độ âm thanh khi loa tái tạo lại từng tần số khác nhau.
Hình bên dưới minh họa đáp tuyến tần số, người dùng có thể dựa vào biểu đồ này để chọn cho mình các loại loa thích hợp.

6. Số lượng và kích thước từng củ loa bass, mid, treble
Để thể hiện các dải tần bass, mid, treble, đa số các loa thường được thiết kế các củ loa nhỏ bên trong.
Hiện nay, có 4 loại củ loa phổ biến:
- Tweeter (tái tạo dải cao) có kích thước nhỏ do cần dao động với tốc độ rất cao.
- Woofer (tái tạo dải thấp) có kích thước lớn do cần thể hiện âm thanh mạnh mẽ hơn.
- Midrange (tái tạo dải trung).
- Sub - woofer (tái tạo dải siêu thấp).
Để đáp ứng yêu cầu âm thanh, các loại loa thùng thường bao gồm Tweeter và Woofer. Loa sub sẽ chỉ có sub - woofer với vai trò thể hiện dải tần siêu trầm và tăng uy lực cho dàn âm thanh.
Bên cạnh đó, loa sub với củ loa 5 tấc (bass 50) được nhiều người ưa chuộng nhờ vào việc cân đối giữa kích thước của loa với cấu trúc thùng loa để tạo ra chất âm tốt nhất.

7. Kích thước và trọng lượng
Bạn cần chọn kích thước loa phù hợp với diện tích phòng của bạn để đảm bảo âm thanh chất lượng nhất.
Thông thường, loa có trọng lượng nặng sẽ phát âm thanh ổn định, chuẩn xác hơn so với các loại loa nhẹ, lý do là vì tần số âm thanh ít bị ảnh hưởng bởi độ rung của thùng loa.
Để đạt hiệu quả tối ưu nhất, bạn cần phải xét đến các yếu tố khác như độ vững chắc của bề mặt đặt loa, chân loa, loại loa,…

Những sản phẩm loa đang được kinh doanh ở Thế Giới Di Động
Vừa rồi là những đơn vị âm thanh cần nhớ khi chọn mua loa. Hy vọng với bài viết trên, bạn có thể biết thêm nhiều thông tin hữu ích khi lựa chọn loa dùng cho gia đình.
Cảm ơn bạn đã theo dõi và hẹn gặp lại ở các bài viết sau!