MicroLED hiện đang là một trong những công nghệ đang được bàn luận nhiều nhất khi nói về màn hình, dù là trên định dạng tivi, máy tính hay thiết bị di động. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về MicroLED, phân biệt, so sánh MicroLED và OLED cũng như tìm hiểu những ứng dụng của nó trên thị trường hiện nay.
1. MicroLED là gì?
Còn được biết đến dưới tên gọi mLED hoặc µLED, MicroLED là công nghệ tấm nền màn hình phẳng.
Màn hình MicroLED được cấu tạo bởi các mảng bóng đèn LED kích thước hiển vi dùng để tạo thành các điểm ảnh. Mỗi điểm ảnh lại được tạo ra từ 3 điểm ảnh phụ với 3 màu sắc cơ bản là đỏ, xanh và lam (RGB).
Điểm ảnh trên MicroLED gồm 3 màu cơ bản là đỏ, xanh và lam
Giống với công nghệ OLED, mỗi điểm ảnh trong màn hình MicroLED có khả năng tự chiếu sáng mà không cần tấm nền phụ chiếu sáng bên dưới như màn hình LCD. Điều này giúp cho màn hình MicroLED tiết kiệm năng lượng hơn, độ tương phản cao hơn và tần số đáp ứng cao hơn so với màn hình LCD.
Ngoài ra, các mảng bóng đèn LED này được đặt trên tấm nền TFT. Tấm nền này giúp cung cấp điện năng cho màn hình và điều khiển thời gian sáng của các điểm ảnh. Nhờ áp dụng nguyên lý này, công nghệ MicroLED và công nghệ OLED có thể tạo những thiết bị hiển thị tivi màn hình cong.
Độ sắc nét và mật độ phân phối điểm ảnh của OLED so với LCD
2. Màn hình MicroLED khác gì so với OLED?
Trong thời gian ngắn, có thể đánh giá màn hình MicroLED và OLED cho ra chất lượng hình ảnh tương tự nhau và MicroLED cho ra hình ảnh sáng hơn.
Tuy nhiên xét đến đặc điểm cấu tạo, thời gian hoạt động dài và triển vọng trong tương lai, có thấy nhận thấy sự khác biệt tương đối giữa hai công nghệ này.
2.1. Điểm mạnh của màn hình OLED
Nhược điểm của màn hình MicroLED hiện đang là điểm mạnh cực kỳ lớn của màn hình OLED.
Bởi lẽ MicroLED cần rất nhiều đèn LED để có thể tạo nên một màn hình có độ phân giải cao, điều này tốn rất nhiều chi phí, thời gian. Ngược lại, OLED chứa số đèn LED vừa đủ cho một màn hình sắc nét. Và trong khi OLED hiện tại có các điểm ảnh kích thước khác nhau cho các kích thước màn hình khác nhau, thì MicroLED chỉ có thể thêm nhiều điểm ảnh có cùng kích thước để tạo ra tivi lớn hơn và có độ phân giải cao hơn.
Số mô-đun của đèn LED thông thường (trái), OLED (giữa) và MicroLED (phải)
Bên cạnh yếu tố sản xuất được cho là lợi thế quan trọng nhất của OLED, công nghệ này còn có tỷ lệ tương phản vô hạn, màu đen hoàn hảo, góc nhìn tuyệt vời và màn hình cực sáng. Có thể nói, OLED là một lựa chọn khá hoặc thậm chí là tuyệt vời trong tầm giá, cho tới khi MicroLED có thể khắc phục được những khiếm khuyết khi đề cập đến độ phân giải lớn như tivi.
2.2. Điểm mạnh của màn hình MicroLED
Tuy nhiên, trong tương lai, màn hình MicroLED được hoàn thiện sẽ tạo ra được sự khác biệt cực kỳ to lớn.
Việc phụ thuộc vào các hợp chất hữu cơ của OLED sẽ dẫn đến "sự suy giảm độ sáng theo thời gian". Tệ hơn nữa, khi màn hình OLED được sử dụng lâu, một số hợp chất sẽ có khả năng mất độ sáng nhanh hơn các hợp chất khác, tạo ra hình ảnh không đồng đều.
Màn hình MicroLED mỏng và sắc nét đến từng chi tiết
Ngược lại, đèn LED trong MicroLED sẽ chỉ càng ngày càng sáng hơn do không bị thoái hóa tự nhiên. Xét lâu dài, MicroLED có khả năng giữ chất lượng hình ảnh và duy trì độ sáng vượt trội và sở hữu hiệu suất năng lượng cao hơn nhiều so với OLED.
Cuối cùng và quan trọng nhất, cơ chế hoạt động của MicroLED cho phép sản xuất được những màn hình sắc nét nhưng cực kỳ mỏng và tinh tế. Đây hứa hẹn là xu hướng sản xuất, hiển thị tiên tiến trong tương lai, được nhiều công ty công nghệ theo đuổi.
3. Ứng dụng của màn hình MicroLED
Mặc dù đã xuất hiện trên thị trường từ những năm 2014, công nghệ MicroLED vẫn đang được áp dụng và phát triển bởi các ông lớn công nghệ như Apple, Samsung, LG,... Theo giới chuyên môn đánh giá, MicroLED có thể tạo nên bước đột phá to lớn về chất lượng hình ảnh và độ mỏng màn hình trong tương lai.
Apple, LG, Samsung,... là những ông lớn thầm lặng trong cuộc đua MicroLED
Phần lớn công nghệ microLED hiện tại chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, trưng bày chứ chưa chính thức được thương mại hóa trên thị trường. Dù vậy, cũng có thể kể đến sự đóng góp của: màn hình “Crystal LED” thuộc Sony vào năm 2012, sự kiện CES 2018 của Samsung và tivi "The Wall" với kích thước 146-inch, màn hình microLED 173” của LG,… Ngoài ra, ông lớn Apple cũng đang ấp ủ tích hợp công nghệ này trong định dạng Apple Watch.
Chúng ta cũng có quyền hi vọng rằng, một tivi MicroLED với màn hình siêu mỏng, sắc nét, bền bỉ qua thời gian sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.
Tivi "The Wall" của Samsung ra mắt năm 2018
Một số mẫu đồng hồ thông minh đang kinh doanh tại Thế Giới Di Động:
Trên đây là bài viết về MicroLED, phân biệt MicroLED với OLED và khả năng ứng dụng của công nghệ này. Thế Giới Di Động mong rằng đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích và chất lượng.